Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam thời gian vừa qua với GDP tăng 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2024. Tăng trưởng này dẫn đến nhu cầu năng lượng tăng cao, dự báo sẽ tăng trung bình 11% mỗi năm, mở ra nhiều cơ hội cho ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong đầu tư và quy hoạch. Để giải quyết những vấn đề này và thúc đẩy phát triển ngành năng lượng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn với chủ đề "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam," diễn ra vào ngày 23/07/2024 tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm thu thập ý kiến và đề xuất từ doanh nghiệp để tìm ra giải pháp phát triển bền vững cho ngành năng lượng.

Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam" có sự tham gia của nhiều chuyên gia và đại diện quan trọng từ các tổ chức và doanh nghiệp. Một số đại biểu đáng chú ý bao gồm:

  • Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI
  • Ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN
  • TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chuyên gia từ Đại học RMIT
  • Ông Abhinav Goyal - Giám đốc PwC Việt Nam

Ngoài ra, diễn đàn còn có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp như:

  • Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN
  • Ông Nguyễn Văn Toàn - Hiệp hội Dầu khí Việt Nam
  • Ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện B.Grimm Power Việt Nam
  • Bà Phạm Thị Hồng Hiệp - Giám đốc Bureau Veritas Việt Nam

Trong buổi diễn đàn này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện B.Grimm Power Việt Nam đã đưa ra những phân tích sâu sắc về xu hướng chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Ông cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, Việt Nam đang nỗ lực bắt kịp với cam kết đạt mục tiêu net-zero vào năm 2050.

z5984459163351_2c89767ceeceb577938704569697d6a5

Ông Tuấn nhận định rằng để thực hiện cam kết này, Việt Nam cần hiểu rõ chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và giải quyết các thách thức liên quan. Ông Tuấn cho biết, chuỗi cung ứng năng lượng bao gồm các giai đoạn từ sản xuất, vận chuyển, phân phối đến tiêu thụ. Việt Nam đã bắt kịp xu hướng rất nhanh khi đã có những bước đi đầu tiên vào năm 2016 và từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, để phát triển bền vững, cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và gia tăng tính bền vững. Để làm được điều này, cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch. Mặc dù Việt Nam đang tập trung kêu gọi nguồn lực quốc tế, nhưng các chính sách hiện tại vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ. Ông cho rằng cơ chế cần rõ ràng hơn để tránh tình trạng gián đoạn, giúp các nhà đầu tư và ngân hàng không gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng việc đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực năng lượng xanh là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sự chuyên nghiệp và minh bạch trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, không chỉ nhân lực, mà cơ sở hạ tầng cũng cần được đầu tư đồng bộ. Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư vào trạm và đường dây truyền tải do thiếu các thông tư hướng dẫn cụ thể. Điều này đòi hỏi cần có cơ chế rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước nắm bắt cơ hội.Thúc đẩy hợp tác quốc tế và chia sẻ công nghệ là một giải pháp quan trọng khác được đưa ra. Ông Tuấn nhấn mạnh rằng Việt Nam cần mở rộng hợp tác với các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào và Campuchia để thu hút vốn đầu tư và tiếp nhận công nghệ tiên tiến. Song song đó, chính sách giá điện cũng cần linh hoạt hơn.

Một cơ chế giá hợp lý không chỉ khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo mà còn tạo động lực cho các nhà đầu tư, từ đó giảm thiểu phát thải. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon cũng được ông Tuấn đề cập như một giải pháp quan trọng. Ông cho biết thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế dự kiến sẽ đi vào thử nghiệm vào đầu năm 2025. Thị trường này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia và hưởng lợi từ việc giảm phát thải, đồng thời góp phần hướng tới mục tiêu net-zero. Để làm được điều đó, Việt Nam cần có cơ chế kiểm soát và quản lý chặt chẽ chất lượng năng lượng, đảm bảo nguồn cung ổn định và bền vững.

z5984458137329_6b5e63eb2f96661c4b528d8ba2ccf24a

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh rằng cần thúc đẩy tiêu thụ năng lượng hiệu quả thông qua các chính sách giá hợp lý, giúp tạo động lực cho người dân và doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, những giải pháp trên không chỉ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu mà còn đảm bảo thực hiện cam kết net-zero đúng lộ trình, tạo ra một hệ sinh thái năng lượng minh bạch, bền vững và hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong phần phát biểu tổng kết diễn đàn, Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc trao đổi và thảo luận giữa các chuyên gia, nhà tư vấn và doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Sau hơn hai tiếng thảo luận sôi nổi về chủ đề “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu,” diễn đàn đã thu hút nhiều ý kiến giá trị.

(Chi tiết xem thêm tại: https://diendandoanhnghiep.vn/tai-dinh-hinh-chuoi-cung-ung-nang-luong-toan-cau-nhan-dien-xu-huong-thach-thuc-va-giai-phap-cho-viet-nam-10143885.html)

Nhà báo Nguyễn Linh Anh cho biết Ban Tổ chức sẽ tiếp tục tiếp nhận các ý kiến, đề xuất từ các đại biểu tham gia. Tất cả các ý kiến này sẽ được tập hợp và tổng hợp thành báo cáo gửi tới các cơ quan chức năng và bộ, ngành liên quan. Báo cáo này không chỉ phản ánh những ý kiến đóng góp mà còn có giá trị trong việc hoàn thiện chính sách, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững tại Việt Nam.