01 Apr 2021
Hội nghị năng lượng mặt trời, gió lần thứ 2 tại Việt Nam được Energy Box tổ chức vào ngày 31/3/2021, tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là hội nghị thượng đỉnh về chính sách, tài chính và rủi ro đầu tư của thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Hội nghị thu hút hơn 300 đại biểu, doanh nghiệp đến từ các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, các tổ chức tài chính của Việt Nam, các nhà phân tích thị trường.
Hội nghị đã giúp các bên tham gia hiểu rõ hơn về thị trường Việt Nam và cũng là diễn đàn để các bên tham gia chia sẻ, tìm kiếm các cơ hội hợp tác, nắm bắt cơ hội phát triển thị trường năng lượng mặt trời và gió tại Việt Nam.
Sự kiện trở nên vô cùng thu hút bởi các phiên thảo luận cùng với sự tham gia sôi nổi của các diễn giả đến từ nhiều doanh nghiệp khác nhau hoạt động trong lĩnh năng lượng tái tạo, các phiên thảo luận tập trung vào các chủ đề chính như:
1/ Thị trường năng lượng mặt trời trong năm 2020 và dự đoán trong tương lai tới.
2/ Điều gì sẽ đến sau giá FIT?
3/ Các mẫu hợp đồng khung DBO cho các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng gió, đấu giá và công tác triển khai tại Việt Nam.
4/ Khả năng vay vốn ngân hàng của RTS hộ gia đình và thương mại với PPA doanh nghiệp theo các ưu đãi hiện hành và cách đối mặt với một thị trường thống trị đấu giá thuần túy trong tương lai mà không cần trợ cấp…
Trong hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Hoa - Trưởng phòng Quản lý Dự án của Công ty cổ phần TTP Phú Yên, đại diện cho B.Grimm Power thuộc dự án Nhà máy điện Mặt trời Hoà Hội đã làm diễn giả cho chủ đề: “What comes after FIT? Net Metering?”. Bà Hoa cho biết, vì tình hình dịch Covid-19 trên toàn thế giới đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ xây dựng và đầu tư của các dự án điện gió/ điện mặt trời tại Việt Nam. Tuy vậy, công suất lắp đặt điện mặt trời của Việt Nam đã đạt đến con số 19,400GW, giúp Việt Nam nằm trong danh sách 3 thị trường điện mặt trời lớn nhất thế giới. Đối với cơ chế đấu giá Năng lượng Mặt trời/Gió, bà Hoa cho rằngvề lâu dài, cơ chế đấu giá Năng lượng Mặt trời / Gió, giúp chính phủ có thể tránh thị trường quá nóng và tăng trưởng quá nhanh, trở thành xu hướng chính sách năng lượng ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, tham khảo dự thảo Cơ chế đấu giá năng lượng mặt trời, giá điện đề xuất đã bao gồm toàn bộ chi phí đầu tư phát triển dự án theo quy định hiện hành về đầu tư xây dựng (chi phí chuẩn bị đầu tư, thực hiện, bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đấu nối dự án đến điểm đấu nối, chi phí quản lý, bảo trì, vận hành dự án và các chi phí khác). Chính vì vậy cũng cần công bố một mức giá phù hợp để thu hút các nhà đầu tư hơn.
Tuy vậy, bà Hoa cũng có những nhận định về những khó khăn khi cơ chế đấu giá năng lượng gió mới mà các nhà đầu tư/ nhà phát triển sẽ gặp phải. Đầu tiên là các dự án tập trung vào các khu vực có tiềm năng năng lượng mặt trời cao dẫn đến quá tải lưới điện ở một số khu vực, ảnh hưởng đến sự ổn định của nó và gia tăng cạnh tranh về đất đai. Ngoài ra, thuế nhập khẩu đã bị chỉ trích vì ở một số thị trường, việc triển khai năng lượng tái tạo diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến và mục tiêu của chính phủ. Các nhà đầu tư cần có đủ thời gian và sự chuẩn bị để điều chỉnh danh mục đầu tư và quá trình phát triển dự án của họ với kế hoạch mới.
Hội thảo cũng đã trao thưởng cho B.Grimm giải thưởng: “1st Award The best Renewable Energy Collaboration” với dự án Nhà máy điện Mặt trời Hoà Hội tại tỉnh Phú Yên. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TTP Phú Yên đại diện cho B.Grimm lên nhận giải thưởng này.
Theo dự báo, tình trạng thiếu điện ở Việt Nam sẽ tăng dần trong giai đoạn 2021 - 2024. Ước tính, sẽ thiếu khoảng 400 triệu kWh điện vào năm 2021 và mức cao nhất sẽ là 13,3 tỷ kWh vào năm 2023. Tình trạng thiếu hụt này dự kiến sẽ giảm bớt vào năm 2024 và xuống còn 11 tỷ kWh.
Để giảm nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2021 - 2025, một trong những giải pháp của Chính phủ Việt Nam là tăng cường phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời. Nhờ tiến độ xây dựng nhanh và thời gian xây dựng ngắn của các nhà máy điện năng lượng tái tạo, Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành đầu tư xây dựng một số lượng lớn các nhà máy điện vào năm 2021.